Khách hàng rẻ tiền – bạn đã từng là?

Khách hàng rẻ tiền – bạn đã từng là?
Thứ Bảy - 08/07/2017

Tham lam và sợ hãi luôn khiến cho con người có những suy nghĩ và hành xử “rẻ tiền” hơn mức tối thiểu mà họ cần để bảo vệ và nuôi sống bản thân, hình thành thói quen nhận nhiều hơn cho ra để cảm thấy an toàn hơn.

Vài dòng mở đầu của phần trước đã nhấn mạnh chúng ta có thâm niên gần cả đời để đóng vai khách hàng chứ không chỉ luôn là người buôn bán (từ lúc biết tự chủ mua hàng, có lẽ từ hồi còn bé tí). Sự hiểu biết và nhận thức về khái niệm khách hàng rẻ tiền vì thế không chỉ luôn áp dụng cho việc soi người, mà còn để soi chính bản thân mình, xem cách mình hành xử trong tư cách khách hàng đã văn minh hay vẫn còn một mức độ “rẻ tiển” nào đó. Nếu chịu khó quan sát kĩ bản thân và người khác một chút, bạn sẽ nhận thấy giới hạn nhận của chúng ta thường không tương xứng với giới hạn cho. Với những điều tốt đẹp, đa số chúng ta có thể nhận nhiều nhưng lại muốn cho ra ít (ảo tưởng về cảm giác được lời); với những điều bất thiện, chúng ta muốn nhận thật ít nhưng lại hiếm khi tự kiềm chế mình hành xử tiêu cực.

Thời còn cày thiết kế, tôi đi làm công sở 9 tiếng ban ngày, làm thêm 4 tiếng buổi tối, quả thật chỉ có thu vào không có chi ra, tôi sống cực kì tiết kiệm vì không còn thời gian và tâm tư nào để tiêu tiền. Còn một lý do nữa là trong vô thức tôi không muốn lãng phí, tôi cảm thấy mơ hồ rằng nếu mình chi cũng dễ như thu thì còn tích cóp được gì để tiến lên nữa? Càng làm tốt giá thiết kế của tôi càng cao, nghịch lý rằng thu nhập càng nhiều lên thì tôi càng chi dùng ít hơn và hay trả giá khi mua hàng để tiết kiệm nhất có thể, để duy trì cảm giác “được lời”.

Hinh-lon-1

Tuy nhiên càng về sau, tôi càng ý thức được việc luân chuyển đồng tiền ra vào cũng như dòng chảy năng lượng cần có sự thông thương, tích trữ quá nhiều năng lượng và không có sự trao đổi làm mới thường xuyên cũng sẽ dẫn đến tù đọng, hơn nữa đồng tiền cũng nên được dùng vào những việc hữu ích và vì thế quay trở lại càng nhiều hơn, thay vì để nó thất nghiệp trong ngân hàng hay trong túi. Khi chi dùng, tôi cũng cố gắng đặt bản thân mình trong cương vị của người bán, hình dung ra mức tiền lời của người bán khi ra giá và so sánh với cách báo giá của bản thân mình, để hiểu rằng họ đang đứng ở đây với giải pháp cho vấn đề của mình là vì mình sẽ trả cho họ một số tiền nhiều hơn giá trị thực của giải pháp ấy, nếu không, họ sẽ nằm nhà ngủ cho khỏe, và vì thế không trả giá theo bản năng đi chợ ngày xưa nữa.

Nếu cảm thấy mắc vô lý (lấy lời quá mức giới hạn chấp nhận của tôi) thì tôi không mua chứ không trả giá kì kèo, còn thấy hợp lý thì mua mà không trả giá theo tâm lý bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đó là lý do mà khi báo giá cho dịch vụ thiết kế của mình, tôi rất dị ứng với những khách hàng thích kì kèo trả giá vì những lý do ngây ngô: người quen giới thiệu, bạn bè, người thân, mới thành lập nên ngân sách ít, bên kia báo giá thấp hơn, sếp không chịu duyệt…

Tự soi lại mình

Đỉnh cao của việc tự soi chính mình là khi tôi trở thành khách hàng của những người làm cùng ngành. Do nhu cầu phát triển, tôi bắt buộc phải tìm người phụ giúp tôi về thiết kế, minh họa và lập trình. Quá trình làm việc với họ đã làm tôi nhận ra nhiều điều về bản thân và người khác.

Có những thứ như thời gian và tâm tư của người khác, không phải lúc nào chúng ta chịu trả tiền cũng có thể mua được. Để cho project được vừa ý đôi lúc tôi đã tỉ mỉ quá mức chịu đựng của họ mà chỉ vì quen thân mà họ làm thêm giúp chứ nhất định không lấy thêm tiền. Tôi đã “hút máu” thời gian và tâm tư của họ một cách bất đắc dĩ. Trong khi nghe họ báo giá tôi cũng quan sát thấy bản thân mình trải qua nhiều diễn biến tâm lý phức tạp, từ cảm thấy mắc, cảm thấy nghi ngờ, tiếc tiền, muốn tự làm cho tiết kiệm, muốn trả giá cho đến vài lần cáo lui không làm. Khi thấy họ (những người bạn cùng ngành) báo cho tôi đúng giá họ hay làm cho người khác, tôi có thoáng buồn vì không được ưu đãi hơn…

Với những điều tốt đẹp, đa số chúng ta có thể nhận nhiều nhưng lại muốn cho ra ít (ảo tưởng về cảm giác được lời); với những điều bất thiện, chúng ta muốn nhận thật ít nhưng lại hiếm khi tự kiềm chế mình hành xử tiêu cực.

Tôi nghĩ vô thức của đa số chúng ta trải qua bao nhiêu đời kiếp khốn khó đã hình thành thói quen nhận nhiều hơn cho ra để cảm thấy an toàn hơn. Tham lam và sợ hãi luôn khiến cho con người có những suy nghĩ và hành xử “rẻ tiền” hơn mức tối thiểu mà họ cần để bảo vệ và nuôi sống bản thân. Dù là vô thức đó như thế nào, chúng ta hãy cố gắng ngày một nâng cao giá trị nhân văn của chính mình để luôn là một khách hàng tốt của mọi nhà, một suplier có tâm và lan truyền sự nhân văn đó đến với những người xung quanh nhé.